7409967554667480.jpg
7610689997443180.jpg
656237604397254.jpg
634143954961813.jpg
463195242130349.jpg

Chi tiết bài viết

NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

I. QUY HOẠCH ĐÔ THỊ LÀ GÌ?

Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Quy hoach do thi

II. PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ

Đô thị Việt Nam bao gồm 6 loại đô thị : đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV, đô thị loại V.

1. Đô thị loại đặc biệt

Đô thị loại đặc biệt là đô thị được xác định theo tiêu chí:

- Vị trí, chức năng, vai trò là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.

- Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 70% trở lên;

+ Khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.

Hiện nay, Việt Nam có hai thành phố được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt là: thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đô thị loại I

Tiêu chí xác định thành phố là đô thị loại I bao gồm:

- Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước;

- Quy mô dân số:

+ Đô thị là thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 500.000 người trở lên;

+ Đô thị là thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên.

- Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 65% trở lên;

+ Khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên.

Tính đến tháng 12 năm 2021, Việt Nam có 22 đô thị loại I, bao gồm:

- 3 thành phố trực thuộc trung ương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ

- 19 thành phố thuộc tỉnh: Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, Hải Dương, Pleiku, Long Xuyên.

3. Đô thị loại II

Đô thị loại II phải đảm bảo các tiêu chí sau:

- Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh;

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.

- Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 8.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 65% trở lên;

+ Khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên.

Tính đến ngày 20/4/2022, cả nước có 33 đô thị loại II, đều là các thành phố thuộc tỉnh, bao gồm: Phan Thiết, Cà Mau, Tuy Hòa, Uông Bí, Thái Bình, Rạch Giá, Bạc Liêu, Ninh Bình, Đồng Hới, Phú Quốc, Vĩnh Yên, Lào Cai, Bà Rịa, Bắc Giang, Phan Rang – Tháp Chàm, Châu Đốc, Cẩm Phả, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Trà Vinh, Sa Đéc, Móng Cái, Phủ Lý, Bến Tre, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Tân An, Vị Thanh, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Sóc Trăng.

4. Đô thị loại III

Tiêu chí xác định thành phố là đô thị loại III bao gồm:

- Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh;

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên.

- Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên.

Tính đến ngày 20/4/2022, cả nước có 47 đô thị loại III, bao gồm:

- 29 thành phố: Yên Bái, Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Kon Tum, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Dĩ An, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên.

- 18 thị xã: Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, Gò Công, La Gi, Bến Cát, Tân Uyên, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn.

5. Đô thị loại IV

Để xác định đô thị loại IV, cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp huyện, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện hoặc vùng liên huyện;

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50.000 người trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20.000 người trở lên.

- Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên;

+ Khu vực nội thị (nếu có) tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp:

+ Toàn đô thị đạt từ 55% trở lên;

+ Khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 70% trở lên.

Đến ngày 29 tháng 11 năm 2021, cả nước có 90 đô thị loại IV, bao gồm 31 thị xã, 5 huyện (với 8 thị trấn và 68 xã) và 56 thị trấn (không tính các xã thuộc phần mở rộng của đô thị loại IV).

6. Đô thị loại V

Đô thị loại V phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:

-Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm hành chính hoặc trung tâm tổng hợp cấp huyện hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc cụm liên xã;

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 4.000 người trở lên.

- Mật độ dân số:

+ Toàn đô thị đạt từ 1.000 người/km2 trở lên;

+ Tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 5.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên.

Đến tháng 12/2021, Việt Nam có 674 đô thị loại V.

III. CÁC LOẠI QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Quy hoạch đô thị gồm các loại sau: Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết, Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

1. Quy hoạch chung

- Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới.

Quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho thành phố trực thuộc trung ương;

Quy hoach do thi

a. Đồ án quy hoạch đô thị chung thành phố trực thuộc trung ương

- Nội dung đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương bao gồm:

+ Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị;

+ Mô hình phát triển, cấu trúc phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, kể cả không gian ngầm; định hướng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung;

+ Đánh giá môi trường chiến lược;

+ Chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.

- Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương được thể hiện theo tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000. Đồ án quy hoạch phải thể hiện rõ khu vực nội thị và các khu vực dự kiến phát triển.

Khi đó, đồ án quy hoạch đô thị chung thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị và quy hoạch phân khu trong đô thị

b. Đồ án quy hoạch đô thị chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã

- Nội dung đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã bao gồm:

+ Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật;

+ Mô hình phát triển, định hướng phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, trung tâm chính trị - hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, công viên cây xanh, thể dục, thể thao cấp đô thị;

+ Quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung trên mặt đất, trên cao và ngầm dưới đất; đánh giá môi trường chiến lược;

+ Kế hoạch ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.

- Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã được thể hiện theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000. Đồ án quy hoạch phải thể hiện rõ khu vực nội thị và các khu vực dự kiến phát triển.

Khi được phê duyệt, các đồ án quy hoạch đô thị chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã sẽ là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị.

c. Đồ án quy hoạch đô thị chung ở thị trấn

- Nội dung đồ án quy hoạch chung thị trấn bao gồm:

+ Xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị;

+ Tổ chức không gian đô thị, quy hoạch công trình hạ tầng xã hội, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược; kế hoạch ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.

- Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thị trấn được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000.

Theo đó, các đồ án quy hoạch đô thị chung thị trấn đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong đô thị.

d. Đồ án quy hoạch chung đô thị mới

-  Nội dung đồ án quy hoạch chung đô thị mới bao gồm việc phân tích và làm rõ cơ sở hình thành phát triển của đô thị; nghiên cứu về mô hình phát triển không gian, kiến trúc, môi trường phù hợp với tính chất, chức năng của đô thị; xác định các giai đoạn phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển đô thị mới và mô hình quản lý phát triển đô thị; đánh giá môi trường chiến lược.

-  Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung đô thị mới được thể hiện theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.

- Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung đô thị mới từ 20 đến 25 năm.

-  Đồ án quy hoạch chung đô thị mới đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị mới.

2. Quy hoạch phân khu

- Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;

- Nội dung đồ án quy hoạch phân khu bao gồm việc xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố; bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị; đánh giá môi trường chiến lược.

- Bản vẽ của đồ án quy hoạch phân khu được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000.

- Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch phân khu được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch chung và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.

- Đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.

3. Quy hoạch chi tiết

- Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.

Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm việc xác định chỉ tiêu về dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho toàn khu vực quy hoạch; bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; chỉ tiêu sử dụng đất và yêu cầu về kiến trúc công trình đối với từng lô đất; bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến ranh giới lô đất; đánh giá môi trường chiến lược.

- Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết được thể hiện theo tỷ lệ 1/500.

- Thời hạn quy hoạch đối với các quy hoạch chi tiết được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch phân khu và theo yêu cầu quản lý, nhu cầu đầu tư.

- Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng

4. Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đối với thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập riêng thành đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Bản vẽ thể hiện theo tỷ lệ thích hợp trên nền bản đồ định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, bản đồ phương hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng

Định hướng phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật đô thị theo các giai đoạn được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.

Xác định tính chất, mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển của từng giai đoạn 10 năm, 20 - 25 năm

IV. CĂN CỨ LẬP ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Để lập một đồ án quy hoạch đô thị cần phải dựa trên các căn cứ như sau:

Quy hoach do thi

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cao hơn đã được phê duyệt.

- Nhiệm vụ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

- Quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn ngành.

- Bản đồ địa hình do cơ quan chuyên môn khảo sát, đo đạc lập.

- Tài liệu, số liệu về kinh tế - xã hội của địa phương và ngành có liên quan.

V. THỜI GIAN LẬP QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

1. Thời gian lập quy hoạch chung đô thị:

a) Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chung không quá 03 tháng, thời gian lập đồ án không quá 15 tháng;

b) Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới, thời gian lập nhiệm vụ không quá 02 tháng và thời gian lập đồ án không quá 12 tháng;

c) Đối với thị trấn, thời gian lập nhiệm vụ không quá 01 tháng và thời gian lập đồ án không quá 09 tháng.

2. Thời gian lập quy hoạch phân khu: đối với lập nhiệm vụ không quá 01 tháng và thời gian lập đồ án không quá 09 tháng.

3. Thời gian lập quy hoạch chi tiết: đối với lập nhiệm vụ không quá 01 tháng và thời gian lập đồ án không quá 06 tháng.

4. Thời gian lập đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật không quá 9 tháng.

VI. YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của quy hoạch đô thị cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể bao gồm:

Quy hoach do thi

Tính phù hợp và đồng bộ

Quy hoạch đô thị phải cụ thể hóa quy hoạch cấp trên, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch và cân bằng lợi ích giữa quốc gia, cộng đồng và cá nhân.

Tính khoa học và dự báo

Quy hoạch đô thị cần dựa trên cơ sở khoa học, dự báo chính xác nhu cầu phát triển và phù hợp với xu hướng đô thị hóa, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan.

Bảo vệ môi trường và cảnh quan

Quy hoạch đô thị phải chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, phòng ngừa rủi ro, cải thiện cảnh quan, bảo tồn di sản văn hóa và đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Sử dụng tài nguyên hợp lý

Việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất đô thị tiết kiệm và hiệu quả.

Đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng

Quy hoạch đô thị cần đảm bảo tính đồng bộ giữa không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm; phát triển hài hòa giữa các khu vực trong đô thị.

Đáp ứng nhu cầu xã hội

Quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại, không gian xanh và các công trình hạ tầng xã hội khác.

Kết nối hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị phải được kết nối đồng bộ và liên thông với hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

VII. CÁC HÀNH VI BỊ CẤM TRONG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

- Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả của quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch đô thị cũng quy định rõ các hành vi bị cấm, bao gồm: Không thực hiện trách nhiệm lập quy hoạch; lựa chọn tư vấn không đủ năng lực; lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch sai quy định; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch; cung cấp thông tin sai lệch; vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt; phá hoại không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; cắm mốc giới sai lệch; cản trở việc lập và thực hiện quy hoạch.

Kết luận: Am hiểu kiến thức cơ bản về quy hoạch đô thị là hành trang thiết yếu cho sự thành công trong lĩnh vực bất động sản. Từ việc lựa chọn vị trí đầu tư đến việc đánh giá tiềm năng phát triển dự án, quy hoạch đô thị đều đóng vai trò then chốt. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan và những kiến thức hữu ích về quy hoạch đô thị. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để có thể cập nhật thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn trong thị trường bất động sản đầy biến động.

Zalo
Hotline
Hotline